Khi nhắc đến Laphroaig ở Scotland, thường bạn sẽ được nhận hai phản hồi cơ bản, một là không thể chịu nổi, hai là cực kỳ gây nghiện. Cũng dễ hiểu bởi vì đây gần như là loại Scotch whisky có hương vị hardcore nhất, nặng mùi khói từ than bùn, khô, cay và mặn mòi vị biển. Khó có thứ hương vị whisky nào lại mang đậm đặc trưng Scotland hơn Laphroaig và đây cũng là thương hiệu được nhiều người dân xứ Tây Bắc Âu này ưa chuộng như một kiểu quốc hồn quốc tuý, bất chấp việc họ là xứ sở có nhiều nhà máy sản xuất whisky đình đám nhất của nhân loại. Sau khi đọc bài này, có thể các bạn cũng sẽ nghĩ người Scotland nghiện Laphroaig không khác gì chuyện người Việt Nam nghiện thuốc lào và trứng vịt lộn.
Cách làm whisky của Laphroaig rất khác người.
Họ là một trong số rất ít những bên sử dụng phương pháp ngâm nước các hạt mạch nha trước khi đi qua công đoạn sấy khô với than bùn. Thông thường việc ngâm nước các hạt mạch nha sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ về việc hạt bị nảy mầm. Những hạt như thế đều không thể sử dụng để làm rượu whisky được. Nhưng những hạt mạch nha ngâm nước ở giai đoạn chuẩn bị nảy mầm lại cho ra một hương vị whisky ngon lạ thường nên vì thế họ vẫn sử dụng cách làm ấy. Nguồn nước mà Laphroaig sử dụng trong quá trình làm whisky cũng là một nguồn nước có hàng lượng khoáng rất thấp, đồng thời mang cả một chút vị than bùn tại hòn đảo nơi nhà máy được xây dựng. Nguồn nước này được sử dụng để ngâm mạch nha, cũng đồng thời đóng vai trò chất làm mát trong toàn bộ quá trình sản xuất. Mùi khói trong nguồn nước lẫn mùi than bùn một lần nữa lại được cuộn trở về những giọt rượu trong nồi chưng cất, tạo thành lớp mùi khói thứ 2. Trước đó, khi những hạt mạch nha được sấy khô trên các sàn kim loại có đốt than bùn phía dưới đã xông vị khói vào mạch nha từ trước đó.
Thảm thực vật của Islay cũng không hề phong phú, chính vì thế mà thành phần của chúng chủ yếu có nhiều mùn lá, rêu và tảo thay vì nhiều mùn gỗ. Loại than bùn này có chứa một hàm lượng iốt nhiều hơn so với các loại than bùn khác. Hai lí do đó khiến cho hương vị của những chai Laphroaig có mùi na na thoang thoảng rượu thuốc. Những khối than bùn trước khi được sử dụng cũng phải trải qua một quá trình phơi khô ba tháng. Chỉ số PPM (phenol parts per million) của Laphroaig là khoảng 40 – 45, cao gấp đôi so với các hãng whisky thông thường. Chỉ riêng điều này là đã đủ để bạn có thể hình dung về vị khói trong những chai Laphroaig sẽ nặng và mạnh đến mức nào. Chúng có thể khiến một người lần đầu trải nghiệm sẽ phải nhăn mặt, nhưng khi đã quen rồi thì gây nghiện và khiến họ chỉ muốn được trải nghiệm lại một lần nữa.
Công đoạn làm rượu của Laphroaig sẽ bao gồm 2 ngày để ngâm nước mạch nha, xông hơi than bùn 17 tiếng trước khi sấy khô, sau đó là đến quá trình chưng cất. Khi được cho vào thùng gỗ vào mùa hè, rượu sẽ ngấm vào thùng gỗ trước dưới tác động của hơi nóng rồi khi đông tới, mọi thứ lại rút hết trở về rượu, mang theo màu sắc và hương vị của chính loại thùng gỗ mà chúng đang được ngâm ủ. Laphroaig cũng sử dụng song song cả các loại thùng gỗ sồi châu Mỹ và sồi châu Âu để làm gia tăng sự phức tạp trong hương vị của mình. Cũng không phải hãng rượu nào cũng cho ra đời hẳn một dòng triple cask (3 lần ngâm trong 3 loại thùng gỗ khác nhau) như Laphroaig. Kết quả cuối cùng chính là một chất rượu êm nhưng nồng nặc mùi khói, khô và cay nơi cuống họng và đồng thời mang theo vị thảo dược thiên nhiên mà không phải loại whisky nào trên thế giới cũng có được. Tất cả những đặc trưng ấy đều được coi là những hương vị Scotland nhất trong khắp cả thế giới whisky và nó cũng giải thích vì sao người dân ở đây lại nghiện Laphroaig đến thế.
Tháp chưng cất của Laphroaig cũng có tuổi thọ sánh ngang với nhà máy của hãng. Nó được dựng lên ngay từ thuở mới thành lập và tồn tại ở nơi này như một trong những lịch sử về thời gian, công sức và những hương vị tự nhiên đã mang đến thành công suốt hai thế kỷ sau đó của thương hiệu này. (Nguồn: the gentlemen club).